Hiện nay, trên toàn quốc đã xuất hiện nhiều đầu sách nhái, sách in lậu, in nối bản, có chất lượng thấp, so với sách thật rất khó nhận biết, bao gồm sách Tiếng anh từ lớp 3 đến lớp 12 theo đề án 2020, sách Học mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch, sách Tin học, sách Thủ công và một số đầu sách khác.
Theo tìm hiều, hiện nay có một số cách đơn giản để nhận biết sách giả, sách in lậu, như sau:
Thứ nhất: cách nhận biết sách giáo khoa giả bằng ngoại quan
– Đối với sách thật: giấy in dày, màu sắc được in sắc nét, nét mực in đều, nội dung đầy đủ.
– Đối với sách giả: giấy kém chất lượng, giấy mỏng, màu sắc in bị vỡ, mực in bị nhoè; có nhiều đầu sách thiếu trang, đóng sai thứ tự các trang.
Thứ hai: cách nhận biết sách giáo khoa giả qua việc cào lớp bạc ở bìa số 4 của cuốn sách
Khi cào lớp bạc ở bìa 4 của cuốn sách sẽ hiển thị dãy số seri của thẻ cào, sau đó nhập dãy số đó vào website hướng dẫn in trên tem (đối với sách mới theo chương trình GDPT 2018 thì có mã QR dẫn tới website của NXBGD VN).
– Đối với sách thật: Mỗi cuốn sách là một dãy số riêng biệt, khi nhập số seri trên thẻ đã cào vào website sẽ tự động kiểm tra xác minh cuốn sách (người dùng có thể sử dụng sách trên máy tính, điện thoại, bao gồm nhiều hình ảnh, âm thanh sinh động).
– Đối với sách giả, sách in lậu, các cuốn sách đều có số seri trên thẻ giống nhau, khi nhập mã đã cào vào website sẽ không thể nhận diện được phiên bản điện tử của cuốn sách.
* Ngoài ra, có thể nhận biết sách thật, sách giả qua tem chống giả.
– Tất cả các loại sách của NXBGD Việt Nam, khi bóc rời tem chống giả dán trên bìa sau cùng của cuốn sách, thì chỗ dán tem vẫn còn dính lại các chữ màu bạc hình GD (Giáo dục), khi dán lại tem đã bóc thì tem vẫn dính lại bình thường.
– Đối với sách giả khi bóc tem, chổ dán tem trên bìa 4 sẽ bong tróc hoàn toàn và không còn dính lại các chữ GD màu bạc trên bìa ở chỗ dán tem.
Hành vi in và buôn bán sách lậu thì bị xử lý như thế nào?
Theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản:
Điều 24. Vi phạm quy định về hoạt động in
7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) In xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản;
b) In tài liệu không kinh doanh không có giấy phép xuất bản;
c) In gia công xuất bản phẩm, sản phẩm không phải là xuất bản phẩm cho nước ngoài không có giấy phép in gia công.
– Đối với vi phạm về tàng trữ và phát hành xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm, căn cứ theo Điều 27 của Nghị định số 159/2013/NĐ-CP sẽ:
Điều 27. Vi phạm quy định về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm và sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 300 bản trở lên;
b) Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm có nội dung bị cấm trong hoạt động xuất bản;
c) Thành lập văn phòng đại diện của tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài tại Việt Nam khi chưa có giấy phép;
d) Trưng bày hoặc bán trong triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm xuất bản trái phép, xuất bản phẩm nhập khẩu trái phép, xuất bản phẩm không được phép lưu hành, xuất bản phẩm có quyết định thu hồi, tịch thu hoặc xuất bản phẩm có nội dung bị cấm trong hoạt động xuất bản;
đ) Không kiểm tra, thẩm định nội dung xuất bản phẩm trước khi trưng bày, giới thiệu, phát hành tại triển lãm, hội chợ.
Theo quy định trên thì :
Về xử phạt hành vi in lậu: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi in xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản (tức là in lậu).
Về xử phạt hành vi buôn bán sách lậu: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép… từ 300 bản trở lên.